Trang chủ Giới thiệu | Tin tức | Sản phẩm | Kỹ thuật công nghệ | Nhà máy | Videoclip | Liên hệ
DANH MỤC SẢN PHẨM
Sản phẩm nấm tươi
Sản phẩm chế biến
Các quy trình uống thuốc
Thực phẩm chức năng
Vật nuôi
Tế sinh thảo đường
Kỷ yếu Tế sinh thảo đường
TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin từ Dona
Tin kinh tế
Tin văn hóa
Món ngon từ nấm
Nấm-Những Bài Thuốc Quý
CHI NHÁNH & ĐẠI LÝ
Tin từ Dona
“Nước thần” từ nấm sâm?

Loại nấm kỳ lạ

Ông Trịnh Đình Kham (Tổ 3, khu phố 1, phường 2, thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng) cũng được người quen cho một con nấm giống và hướng dẫn cách làm nước nấm trà như sau: dùng chè mạn (trà Lipton cũng được) pha loãng, thêm một ít đường tạo môi trường cho nấm phát triển. Tiếp đó, thả miếng nấm giống vào ngâm. Sau vài ngày, trên mặt môi trường nước chè đường sẽ xuất hiện một màng nấm.

tra.jpg

Dùng trà mạn hay Lipton pha loãng thêm một ít đường và cho nấm giống vào ngâm thì sẽ có "nước thần"?

Theo chỉ dẫn, cứ 10 ngày ông lấy nước trà nấm một lần, cho vào tủ lạnh uống dần rồi lại tiếp tục đổ  nước vào ngâm. Nước có vị hơi chua, hơi ngọt và hơi chát,  dễ uống. Người ta cho rằng, nước trà nấm có tác dụng tăng tuổi thọ, làm cơ thể khoẻ mạnh, dẻo dai, chữa bệnh khó tiêu, rửa đường ruột, trị kiết lỵ, táo bón kinh niên. Ngoài ra, loại nước này còn có thể phòng và trị một số bệnh nguy hiểm như: đau thần kinh, đau lưng, tê thấp, viêm khớp, tim, phòng ngừa huyết quản tim bị xơ cứng, chữa bệnh viêm túi mật, làm tan sạn trong thận và giúp bài tiết tốt, trị tiểu đường, huyết áp cao, huyết áp thấp, làm thị lực trở lại bình thường nếu mắt kém. Thậm chí đây còn được coi là “nước thần” có thể ngăn chặn được ung thư.

Đã có rất nhiều người dân ở Lâm Đồng đi lùng tìm nấm sâm về sử dụng. Có người chịu khó, pha pha, ngâm ngâm, uống uống đến chục năm nay. Một số người cho rằng, điều này đã giúp họ  chữa khỏi một số bệnh. Theo mô tả của ông Kham, nấm có màu vàng nâu như màu của nước trà. Nếu được nuôi dưỡng thường xuyên theo cách trên thì nấm còn có thể lớn nhanh, tạo thành từng lớp như con giấm. Khi nấm quá lớn, phải cắt bớt vì sẽ làm nước trà đường nhanh chua hơn. Nếu để lâu trong môi trường thiếu dinh dưỡng, không có không khí thì nấm sẽ chết.

Thiếu cơ sở khoa học

Chúng tôi đã đem những thông tin trên đi hỏi một số chuyên gia ở Viện Dinh dưỡng, Đại học Dược. Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội. Họ đều khẳng định chưa hề nghe nhắc đến loại nấm trên. Tuy nhiên, qua BS Vũ Định, nguyên cán bộ của Viện Dinh dưỡng, chúng tôi được biết, việc sử dụng nước chè (trà) đường lên men là kinh nghiệm cổ truyền của Nhật Bản, Triều Tiên... Khoảng năm 1969-1970, ở các tỉnh miền Bắc nước ta, nhiều người cũng đã phổ biến cho nhau cách làm thứ nước uống này. Loại nấm trên được mệnh danh là “thủy hoài sâm” (các thứ bổ hay được gắn với từ “Sâm”) và thứ nước thu được sau khi chế biến được gọi là nấm trà hay trà dấm.

Nước trà đường lên men chính là một sự cộng sinh giữa các vi khuẩn lên men acetic và nấm men. Theo Bác sĩ  Định, một số nhà khoa học nước ta đã nghiên cứu phân tích các mẫu nước nấm trà và cho hay, nước có chứa một ít vitamin C, B1, axit acetic, rượu etylic và các chất khoáng kali, natri, canxi... Độ pH của nước nấm trà và hàm lượng các thành phần trên thay đổi tùy theo nồng độ nguyên liệu (trà và đường) và thời gian nuôi cấy nấm. Nếu nuôi càng lâu thì axit acetic càng tăng và lượng đường, lượng rượu etylic càng giảm.

Dưới tác dụng của nấm men, đường chuyển thành rượu etylic. Vi khuẩn acetic lại chuyển hoá rượu thành axit acetic. Những chất này đều không độc hại với cơ thể. Nhiều người lo  rằng, đây là môi trường thuận lợi để một số vi khuẩn độc nhất phát triển và gây hại cho người dùng. Tuy nhiên, các chuyên gia hoá học cho biết, vi khuẩn chỉ phát triển được trong môi trường trung hoà, hơi kiềm, khó tồn tại được trong môi trường axit (làm cho nước có vị chua). Để đảm bảo an toàn, cần chế biến bằng nước đã đun sôi, trong dụng cụ sạch, để ở nơi không có ruồi muỗi. Nếu thấy nước trà có mùi khó chịu, khác thường thì không nên sử dụng vì có thể nấm giống đã bị hỏng, không còn phát huy  được hiệu quả. Khi đó, uống vào có thể gây chứng “đi nhanh về chậm”.

Nước nấm trà là thứ giải khát tốt, có thể dùng thường xuyên. Các vitamin và muối khoáng có ích cho cơ thể, còn axit hữu cơ kích thích tiêu hoá và nhuận tràng. Những người ít vận động dùng nước nấm trà thấy nhiều tác dụng tốt, đặc biệt là đỡ táo bón. Tuy nhiên, những người bị bệnh dạ dày không nên sử dụng nước này. Về khả năng chữa các chứng bệnh nan y nêu trên, Bác sĩ Định cho rằng, đó là sự thổi phồng, gán ghép không có cơ sở khoa học. Cho đến nay, phong trào uống nước trà nấm đã “lụi tắt” ở các tỉnh miền Bắc vì sau một thời gian sử dụng và tự mình chứng thực, người ta nhận thấy giá trị thực của loại nước này.

MINH NGHĨA

114/6bis Thống Nhất, P.11, Q. Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh | Tel: 028.35897035 | Fax: 028. 35897043 Hotline: 0915422448 Email: info@donahoasen.com
Copyright © 2010 Nam Dona. All rights reserved.